Tây Ninh phát triển mạnh mô hình sử dụng điện Mặt Trời

Nằm trên vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Tây Ninh có lợi thế là địa bàn ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt; số giờ nắng nóng kéo dài trung bình lên tới từ 2.220-2.500 giờ trong năm, cao hơn 20% so với các địa phương khác.

Từ lợi thế, tiềm năng kể trên, cùng với giá điện càng ngày tăng cao, chi phí hàng tháng của hộ gia đình tăng thêm, nhiều gia đình và hộ sản xuất nhỏ tại Tây Ninh đã chọn giải pháp lắp đặt hệ thống điện năng lượng Mặt Trời trên mái nhà. Đồng thời, kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia, vừa có nguồn điện tự cung, tự cấp cho sinh hoạt, sản xuất vừa thêm thu nhập từ nguồn điện dôi dư bán ra cho ngành điện.

Sau thời gian lắp đặt 10 tấm pin điện năng lượng Mặt Trời trên mái nhà thấy có hiệu quả, tháng Năm vừa qua ông Nguyễn Văn Tốt ở khu phố 5, phường 1, Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, đã mạnh dạn lắp đặt thêm 32 tấm pin nữa trên diện tích mái nhà còn lại.

Với tổng công suất điện thu được là khoảng 14,80KWp mỗi tháng, không chỉ đảm bảo cung cấp đủ điện sinh hoạt cho gia đình với mức 2,5 triệu tiền điện/tháng trước đây, ông Tốt còn bán lại lượng điện năng kết dư cho ngành điện với số tiền khoảng 1,8 triệu đồng/tháng.

Theo tính toán của ông Tốt, với số tiền ban đầu bỏ ra là 390 triệu đồng, sau hơn 7 năm vừa sử dụng đủ cho gia đình, vừa bán được số điện dôi dư, ông có thể thu hồi lại được vốn, trong khi các tấm điện năng lượng Mặt Trời được nhà cung cấp bảo hành 10 năm. Như vậy, việc sử dụng hệ thống này vẫn có lãi, mà nguồn điện sử dụng lại được ổn định hơn.

Còn hộ anh Lưu Xuân Minh tại ấp Tân Hòa, xã Tân Bình, Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cũng quyết định nâng cấp hệ thống năng lượng Mặt Trời trên mái nhà từ 3,3KWp lên 6,6KWp để có đủ điện để phục vụ cho cơ sở gia công hạt điều tại nhà, vừa để có dư điện bán lại cho ngành điện.

Bà Lê Thị Phấn, quản lý Dưỡng lão đường Quy Thiện, huyện Hòa Thành, Tây Ninh, cũng chia sẻ, do là đơn vị từ thiện, kinh phí hoạt động chủ yếu nhờ các nhà hảo tâm quyên góp, để hạn chế chi phí tiền điện, trại dưỡng lão phải hạn chế tối đa các thiết bị sử dụng điện, kể cả quạt gió. Tuy nhiên, từ ngày lắp được hệ thống điện Mặt Trời với khoảng 3KWp trên mái nhà, các bà lão ở đây rất mừng. Mọi người được sử dụng điện thoải mái hơn, nhất là trời nắng nóng.

Anh Trương Thế Vinh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên năng lượng Tường Vinh tại phường 3, thành phố Tây Ninh, cho biết trước đây công ty của anh chỉ chuyên lắp đặt máy lọc nước và nước nóng năng lượng Mặt Trời.

Kể từ tháng Ba năm nay đến nay do nhu cầu lắp đặt tấm pin điện năng lượng Mặt Trời trên mái nhà của các hộ dân trong tỉnh tăng cao, anh chuyển qua kinh doanh thêm công việc này.

Đến nay, chỉ riêng công ty anh đã lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời được trên 70 hộ, với tổng công suất trên 900KWp.

Theo anh Vinh, hiện nhu cầu lắp đặt điện Mặt Trời trên mái nhà của doanh nghiệp và người dân trong tỉnh rất lớn, nhưng vẫn còn một số hạn chế là do một số trạm biến áp nhiều nơi của ngành điện chưa đáp ứng được nhu cầu đấu nối của người dân khi lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời với công suất 10KWp trở lên. Do đó, các hộ dân và doanh nghiệp muốn lắp đặt và nâng công suất tấm pin điện Mặt Trời lên công suất lớn hơn 10KWh nhiều nơi cũng không được cho phép.

Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh, mô hình điện Mặt Trời áp mái hiện có rất nhiều người dân đầu tư và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, các hộ gia đình đã giảm được chi phí tiền điện, đặc biệt những hộ gia đình sử dụng điện từ mức 200Kwh trở lên với giá điện bậc thang cao - tầm khoảng 2.300 đồng trở lên, khi lắp điện năng lượng Mặt Trời thì đã giảm bớt khung giá nhờ nguồn điện gia đình phát được, từ đó tiền điện giảm xuống đáng kể.

Chính vì vậy, kể từ khi ngành điện mở đợt tuyên truyền tiết kiệm điện; trong đó, khuyến khích người dân lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời áp mái từ tháng Ba năm nay, tính đến ngày 21/6 vừa qua tỉnh Tây Ninh hiện có hơn 289 khách hàng (doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình) đầu tư lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời áp mái với tổng công suất lắp đặt là 4.641,2KWp, chưa kể số khách hàng đang lắp đặt, sẽ đấu nối vào mạng lưới điện quốc gia trước 30/6 tới với công suất thêm khoảng 3.641,2KWp.

Năm 2019, Công ty Điện lực tỉnh Tây Ninh có kế hoạch vận động khoảng 1.000 khách hàng lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời áp mái để nâng tổng công suất điện theo mô hình này lên khoảng trên 10.000KWp; đồng thời, tiền hành khảo sát, nâng cấp một số trạm biến áp để đáp ứng nhu cầu đấu nối của hệ thống điện Mặt Trời áp máy của người dân và doanh nghiệp./.

Các bài viết liên quan

Hỗ trợ khoảng 15% chi phí lắp đặt

Sáng nay (25.7), Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức Hội thảo khởi động “Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam”. [Xem chi tiếp]

Người dân rủ nhau lắp điện năng lượng mặt trời

Nhận thấy việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời (NLMT) áp mái nhà giúp tiết kiệm tiền điện, bảo vệ môi trường và bán điện thừa cho công ty điện lực, nhiều hộ dân tại Đồng Tháp đã đầu tư phát triển nguồn năng lượng này. [Xem chi tiếp]

Ngân hàng đẩy mạnh cho vay dự án điện mặt trời

Ủng hộ chủ trương phát triển năng lượng sạch nhiều ngân hàng đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho vay cho vay các dự án điện mặt trời. [Xem chi tiếp]

Nhà máy năng lượng mặt trời của Long An hòa lưới điện Quốc gia

Đây là một trong những nhà máy năng lượng mặt trời đầu tiên của tỉnh Long An được xây dựng trên diện tích hơn 50 ha, có công suất 40,6 MWp... [Xem chi tiếp]

Dự án điện mặt trời lớn nhất thế giới đi vào hoạt động

Dự án điện mặt trời Noor Abu Dhabi lớn nhất thế giới đã chính thức được vận hành thương mại tại thành phố Abu Dhabi của UAE. [Xem chi tiếp]